Home » 文章分类_VN » CHÂN TƯỚNG MẬT TÔNG TÂY TẠNG |
ĐẶC ĐIỂM TU HÀNH CHUNG CỦA CÁC GIÁO PHÁI MẬT TÔNG TÂY TẠNG VÀ SỰ KHÁC BIỆT CỦA HỌ SO VỚI PHẬT GIÁO – LẤY GIÁO NGHĨA PHÁI CÁCH LỖ LÀM VÍ DỤ-1 |
ĐẶC ĐIỂM TU HÀNH CHUNG CỦA CÁC GIÁO PHÁI MẬT TÔNG TÂY TẠNG VÀ SỰ KHÁC BIỆT CỦA HỌ SO VỚI PHẬT GIÁO – LẤY GIÁO NGHĨA PHÁI CÁCH LỖ LÀM VÍ DỤ -1TRÍCH YẾU Vào giữa thế kỉ thứ 7, Phật giáo Ấn Độ thông qua hôn nhân chính trị chính thức truyền vào Tây Tạng, sau khi kết hợp với tôn giáo bản địa – Bôn giáo, đã hình thành nên Lạt Ma giáo, được giới Phật giáo phổ biến gọi là “Phật giáo Tạng truyền”. Lại vì các tổ sư của “Phật giáo Tạng truyền” chủ yếu truyền thụ pháp bí mật, cho nên cũng gọi là “Mật tông Tây Tạng”. Phật giáo truyền vào Tây Tạng thời kì đầu còn chưa chia tông phái, sau đó cùng với sự phát triển mạnh mẽ của Phật giáo đất Tạng, nên Mật tông Tây Tạng bắt đầu phân tông lập phái, hình thành nên cục diện trăm hoa đua nở của Phật giáo Tạng truyền. Đầu thế kỉ 15, sự thành lập của phái Cách Lỗ đã đánh dấu thời đại huy hoàng trong lịch sử Phật giáo Tạng truyền, hình thành nên tứ đại tông phái “Hồng, Hoàng, Hoa, Bạch” ở đất Tạng. Tứ đại tông phái này (Ninh Mã, Cách Lỗ, Tát Già, Cát Cử) về bề ngoài thì có sự khác biệt, nhưng đi sâu vào nghiên cứu giáo nghĩa nòng cốt của họ thì mới phát hiện ra rằng giữa họ đều có đặc trưng tu hành giống nhau, hơn nữa là có liên quan mật thiết đến nội dung tu luyện của phái Tính lực thuộc Ấn Độ giáo. Bởi vì Hoàng giáo (phái Cách Lỗ) từ khi thành lập đến nay, có thể nói là đại diện điển hình của Phật giáo Tạng truyền, thế lực và sức ảnh hưởng của họ là lớn nhất, cho nên bài viết này sẽ nhằm vào giáo nghĩa chủ yếu của phái này để tiến hành một loạt phân tích và thảo luận, đồng thời dẫn dụng lời khai thị của chính các tổ sư Mật tông Tây Tạng để chỉ ra sự khác biệt rõ ràng về mặt giáo nghĩa giữa Mật tông Tây Tạng và Phật giáo truyền thống. Từ khóa: Mật tông Tây Tạng, phái Cách Lỗ, song thân pháp, Đạt Lai Lạt Ma, Phật sống chuyển thế, tức thân thành Phật. I. LỜI NÓI ĐẦU Mật tông Tây Tạng là tên gọi khác của Lạt Ma giáo, còn gọi là Phật giáo Tạng truyền, đối lập với Phật giáo Hán truyền và Phật giáo Nam truyền. Mật tông Tây Tạng đến nay đã có lịch sử hơn 1000 năm, tự xưng là Kim Cương thừa của Phật giáo, được đông đảo Phật tử, các học giả Phật giáo coi là một đại phái của Phật giáo Đại thừa. Vì Tây Tạng nằm trên nóc nhà thế giới, nên rất ít người biết đến lịch sử, văn hóa và sự phát triển của nó ngàn năm nay. Cho đến cuối thế kỷ thứ 19, chính quyền thực dân Anh ở Ấn Độ đã phái các nhà thám hiểm, nhà khoa học đến dãy núi Hy Mã Lạp Sơn (Dãy Everest), sau khi tiến vào đất Tạng mới phát hiện một thế giới thần bí khác. Từ đó về sau, văn hóa Tây Tạng và Phật giáo Tạng truyền mới được truyền bá ra ngoài, gây nên sự chú ý của toàn thế giới. Trên thực tế, Tây Tạng trước đời Đường đã bắt đầu giao lưu văn hóa với Trung Quốc. Đến đời Nguyên, Minh, Thanh, quan hệ hai bên càng trở nên thân thiết, Tây Tạng dần dần trở thành thuộc địa các triều đại Trung Quốc, chấp nhận sự bảo hộ của triều đình. Sau năm 1949, vì không còn muốn chấp nhận sự bảo hộ của chính phủ Trung Quốc, kêu gọi Tây Tạng độc lập nên bị chính phủ Trung Quốc đàn áp toàn diện, khiến cho lãnh tụ tinh thần của Tây Tạng – Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 phải chạy đến Ấn Độ lưu vong. Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 trải qua một đời hoạt động chính trị, có một mối quan hệ mật thiết với chính phủ các nước phương Tây, giành được sự ủng hộ của họ, trở thành nhân vật có ảnh hưởng nhất về tôn giáo trên thế giới. Năm 1989, sự kiện Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 nhận được giải Nobel hòa bình càng củng cố thêm địa vị của ông ta. Chính vì lẽ đó, các nước trên thế giới đều cho rằng Phật giáo Tạng truyền chính là Phật giáo chính tông nhất. Kỳ thực, từ góc độ giáo nghĩa của Phật giáo Tạng truyền mà xét thì thấy có sự khác biệt so với giáo nghĩa của Phật giáo chính thống. Khi Phật giáo từ Ấn Độ ồ ạt truyền vào Tây Tạng chính là lúc bắt đầu thời kỳ mạt pháp. Khi đó, Phật giáo ở Ấn Độ đã bị Hồi giáo tiêu diệt, rất nhiều tăng nhân đã chạy đến Tây Tạng lánh nạn và ra sức truyền pháp. Chỉ có điều, thứ mà các tăng nhân này đem đến không phải là Phật pháp thực sự nữa. Bởi vì vào giai đoạn cuối thời kỳ tượng pháp, Ấn Độ giáo và Bà La Môn giáo phục hưng mạnh mẽ, khiến cho Phật giáo truyền thống bị pha tạp bởi ngoại đạo pháp. Vì chịu ảnh hưởng của Tính lực phái của Ấn Độ giáo, những người như Đại sĩ Liên Hoa Sinh đã đem Phật giáo phi thuần khiết truyền vào đất Tạng, kết hợp với tôn giáo bản địa của Tây Tạng – Bôn giáo, trở thành cái gọi là Phật giáo Tạng truyền. Pháp môn tu hành của Tính lực phái thuộc Ấn Độ giáo chính là pháp song tu nam nữ, còn Bông giáo lại là một tôn giáo nguyên thủy sùng bái quỷ thần, chuyên giao tiếp với thế giới quỷ thân bằng các phương thức như thần chú, cầu cúng…Những nhân vật như Liên Hoa Sinh, A Để Hạp, Tông Khách Ba…lấy danh nghĩa Phật giáo đã thành lập nên các môn phái mới của Mật tông Tây Tạng. Trong đó, bốn đại chi phái là Ninh Mã, Cách Lỗ, Tát Già, Cát Cử có ảnh hưởng lớn nhất. Giáo nghĩa của họ đại đồng tiểu dị (giống nhiều khác ít), về cơ bản đều có quan hệ mật thiết với Bôn giáo, Tính lực phái của Ấn Độ giáo. Ngoài ra, chế độ Phật sống chuyển thế cũng là đặc điểm chung của Phật giáo Tạng truyền, mục đích là vì muốn củng cố quyền lực và địa vị của người lãnh đạo chính giáo hợp nhất. Phái Cách Lỗ thành lập vào thế kỷ thứ 15 đến sau ngồi trước, có sức ảnh hưởng lớn nhất, phổ cập toàn thế giới. Bài viết này lấy giáo nghĩa của phái này làm đối tượng nghiên cứu, tiến hành phân tích và thảo luận các quan điểm của Liên Hoa Sinh, Tông Khách Ba, Đạt Lai Lạt Ma v.v…cuối cùng chỉ ra rằng giáo nghĩa của Mật tông Tây Tạng không khớp với giáo nghĩa của Phật giáo truyền thống. II. KHÁI LƯỢC VỀ TỨ ĐẠI TÔNG PHÁI CỦA MẬT TÔNG TÂY TẠNG Phật giáo từ trước thế kỷ thứ 7 đã truyền vào Tây Tạng rồi, nhưng đều thuộc về thời kỳ truyền thuyết, có lẽ đã từng tiếp xúc nhưng không có sự phát triển chính thức. Vào khoảng năm 640, vua Tây Tạng Khí Tông Lộng Tán (Tùng Tán Can Bố) sau khi thống nhất các bộ lạc ở cao nguyên Thanh Tạng, xây dựng nên vương triều Thổ Phồn hùng mạnh, đồng thời đề nghị thông hôn và xây dựng quan hệ ngoại giao với triều Đường, Nepal… Chính vì quan hệ hữu hảo thông hôn nên Phật giáo có cơ hội chính thức truyền vào các vùng đất Tây Tạng. Lâm Sùng An trong bài viết “Thảo luận về Phật giáo Tây Tạng” nói rằng: [“Khí Tông Lộng Tán kết hôn với công chúa Xích Tôn của Nepal và công chúa Văn Thành triều Đường, hai vị công chúa này đều mang các văn vật như tượng Phật vào đất Tạng, đồng thời xây dựng nên chùa Đại Chiêu và chùa Tiểu Chiêu. Tạng vương này còn phái Thôn Mi Tang Bố Trát đến Ấn Độ học Phạn văn, sau khi trở về Tạng đã sáng chế ra văn tự Tây Tạng và biên soạn ngữ pháp tiếng Tạng, đồng thời dịch mấy bộ kinh Phật như “Bách bái sám hối kinh” ra tiếng Tạng. Nhờ có chữ viết, văn hóa Tây Tạng được nâng cao mạnh mẽ, dân chúng xã hội tộc Tạng cũng bắt đầu tiếp xúc được với Phật pháp”] (1). Từ đó về sau, Phật giáo ngày càng phát triển tại Tây Tạng. Các tăng nhân như Tịch Hộ, Liên Hoa Sinh, Liên Hoa giới, A Để Hạp…lần lượt vào Tạng truyền pháp, đồng thời nhận được sự tôn sùng tối cao của người Tây Tạng, đặc biệt Liên Hoa Sinh được coi là giáo chủ chung của Mật tông Tây Tạng. Việc thành lập giáo phái chính thức thì bắt đầu từ việc A Để Hạp từ Băng-La-Đét vào Tây Tạng và thành lập ra phái Cát Đương. Từ đó về sau, Phật giáo Tây Tạng dần dần phân liệt thành bảy hệ hai mươi mốt chi phái, phân hợp không ngừng, thậm chí còn có chi phái (phái Giác Nãng) bị các phái khác tiêu diệt. Trong lịch sử Phật giáo Tạng truyền, tứ đại phái gồm Ninh Mã, Cách Lỗ, Cát Cử, Tát Già có sức ảnh hưởng lớn nhất. 1. Phái Ninh Mã (Hồng giáo) Phái Ninh Mã thành lập vào thế kỷ thứ 11, nhấn mạnh giáo pháp của họ là do Liên Hoa Sinh hoằng truyền vào Tây Tạng, lấy việc kế thừa và hoằng dương các điển tịch Mật giáo dịch vào thời kỳ Thổ Phồn làm chính, được gọi là Cựu phái (hoặc phái Đại Cứu Cánh). Căn cứ về kinh điển của Phái này gồm hai loại. Thứ nhất, là các kinh điển sau khi phiên dịch thành tiếng Tạng từ thế kỷ thứ 8, do cha con hoặc thầy trò bí mật truyền lại trong dân gian, gọi là “Cát Mã”. Thứ hai, Liên Hoa Sinh và các đệ tử đem kinh điển chôn dưới đất hoặc trong hang đá, sau mấy trăm năm sau được người ta phát hiện đào lên, gọi là “Phục Tạng”. Năm 747, Liên Hoa Sinh dẫn 25 đệ tử vào Tây Tạng, hoằng dường “Đại viên mãn giáo”, truyền thừa tư tưởng Trung luận của Phật giáo, nhấn mạnh pháp tu quán niệm, làm thanh tịnh Trí tính của mỗi người; lìa bỏ tất cả mọi tư niệm thiện ác, chính tà; hiển hiện trí tuệ Chân Không. Sau khi Liên Hoa Sinh về nước, đệ tử ông ta ở lại tiếp tục hoằng dương Phật pháp, đồng thời phiên dịch rất nhiều kinh luận của phái Trung luận. (2) Giáo nghĩa của phái Ninh Mã đồ sộ và xen tạp, lấy “Đại viên mãn pháp” làm giáo pháp đặc thù của mình, khẳng định nhân tâm tức là Phật tính, tự sinh giác ngộ là có thể chứng được Niết Bàn. Truyền thừa của nó có thể chia làm ba bộ gồm Tâm bộ, Giới bộ và Giáo thụ bộ. (3) Ý nghĩa của “Đại viên mãn pháp” mà phái Ninh Mã tu tập là “mê tức chúng sinh, ngộ tức thánh Phật”, lý luận này bắt nguồn từ học thuyết Như Lai Tạng Phật tính của Phật giáo Ấn Độ. Căn cứ cuốn sách “Lịch sử Phật giáo Tây Tạng” của pháp sư Thánh Nghiêm, chúng ta biết rằng giáo nghĩa của phái này còn bao hàm cả nội dung của tôn giáo bản địa Tây Tạng – Bôn giáo, tức là tôn giáo nguyên thủy chuyên sùng bái quỷ thần, làm vu thuật. Ông nói: [“Đây là Phật giáo hỗn hợp giữa Mật giáo và Bôn giáo, cho nên không trọng giới luật, chuyên trì Mật chú, lấy Vô thượng Yoga làm cứu cánh; Họ không coi trọng Hiển giáo như Mật thừa sau này của A Để Hạp, cho nên họ sùng bái Pháp thân Phật (Adi-buddha) Phổ Hiền (Samantabhadra). Thứ tự tu hành của tông phái này chia làm chín thừa, lại chia làm hai loại Hiển – Mật, lại phân thành thuyết tam Phật gồm Ứng thân, Báo thân, Pháp thân Phật. Trong Mật giáo cũng chia thành Mật ngoại đạo và Mật nội đạo. (lược giữa) Phái này cho rằng tam thừa Hiển giáo là thứ mà ai ai cũng có thể hiểu được, còn tam thừa ngoại đạo của Mật giáo phải là người thụ quán đỉnh bí mật mới có thể tu hành, tam thừa nội đạo thì bắt buộc phải là người được Thượng sư truyền cho đại quán đỉnh các bộ mới có thể tu hành. Phái này hành trì theo tục gia, không tuân thủ luật nghi, cho rằng pháp tu quán niệm, tức tự nhiên hiển hiện tịnh trí, khế hiện cái lý Không mà được giải thoát”.] (4) Tăng lữ phái Ninh Mã trọng Mật khinh Hiển, thông thường tăng nhân cũng không có chế độ học kinh chính quy, cho nên không hình thành nên một tập đoàn tự viện lớn mạnh. Phái này lấy phát triển phân tán làm chính, không có quan hệ mật thiết với tập đoàn có thực lực ở địa phương, từ thế kỷ 16-17 mới có tự viện quy mô, sau này dưới sự ủng hộ của Đạt Lai thứ năm A Vượng La Tang Gia Thác, nên mới được phát triển mạnh. Tự viện nổi tiếng có chùa Đa Cát Trát, Mẫn Chi Lâm, chùa Trúc Thanh, Cát Đà ở phía Tây Tứ Xuyên…(5) Còn về tên gọi “Hồng giáo”, là bắt nguồn từ màu sắc áo mũ mà thày trò Mật tông mặc. Trên thực tế, trước khi Tông Khách Ba thành lập Hoàng giáo, gần như tất cả các tăng lữ hoặc Lạt Ma các chi phái Mật tông đều mặc áo màu đỏ hoặc đội mũ màu đỏ, do đó mới có tên tục là “phái Áo Đỏ” hoặc “phái Mũ Đỏ”. Cũng có nghĩa là, trước khi phái Cách Lỗ (Hoàng giáo) hưng thịnh là thời kỳ thịnh hành của Hồng giáo ở Tây Tạng. Hiện nay, ngoại trừ ở đất Tạng ra thì Nepal cũng là khu vực giáo hóa của Hồng giáo. 2. Phái Tát Già (Hoa giáo) Người sáng lập ra phái Tát Già là Cổn Khúc Già Bảo (dịch âm là Cống Khước Kiệt Bố, 1034-1102). Ông tiến hành cải cách giáo pháp của phái Ninh Mã bằng kinh điển Mật giáo dịch mới. Năm 1073 xây dựng lên chùa Tát Già ở vùng Tát Già nên mới có tên là phái Tát Già. Vì phái này cung phụng Bản Tôn Miến Hỉ Kim Cương có ba màu xanh, trắng, đỏ, trên vách tường tự viện cũng vẽ ba vạch màu này nên còn có tên tục là “Hoa giáo”. Phái Tát Già là giáo phái duy nhất ở đất Tạng áp dụng chế độ thế tập. Vì phái này chủ trương kết hợp tu hành và chính trị, cho nên tăng lữ phái Tát Già dần dần bị thế tục hóa. Sau này có một số tăng nhân Tát Già ra mặt kêu gọi cải cách, khôi phục lại cuộc sống tôn giáo, khiến cho phái Tát Già được tiếp tục truyền thừa, trở thành phái Tát Già mới. (6) Trong vòng hơn 100 năm từ thế kỷ 13 đến thế kỷ 14, phái Tát Già dường như độc chiếm địa vị thống trị ở toàn đất Tây Tạng, đồng thời dưới sự ủng hộ hết sức của chính quyền triều Nguyên, họ đã xây dựng chính phủ Tát Già, quản lý toàn bộ mọi sự vụ ở đất Tạng. Vào thời đại tổ thứ tư của phái Tát Già, họ đã thừa nhận Tây Tạng quy thuộc về lãnh thổ của Trung Quốc. Đến đời ngũ tổ phái Tát Già lại từng làm lễ quán đỉnh cho hoàng đế Hốt Tất Liệt, sau đó phụng mệnh xây dựng chùa mới cho Mông Cổ, quản lý tín đồ Phật giáo khắp thiên hạ, trước sau được hoàng thất triều Nguyên phong là Đế sư, Quốc sư và Đại bảo Pháp vương, hiển hách một thời. (7) Học thuyết phái Tát Già có ba điểm đặc sắc. Thứ nhất, lấy tư tưởng Trung quán của hệ Thanh Biện làm bản nghĩa để giải thích Mật thừa. Thứ hai, lấy ngũ vị Bồ Tát (tư lương, gia hành, kiến, tu, cứu cánh) của Hiển thừa và tứ bộ Mật thừa (tác, tu, du già, vô thượng du già), phối hợp từng cặp mà tu, cho rằng tu cái này thì tự nhiên sẽ tu cái kia, vì thế mà đoạn Sở thủ hoặc trong Noãn, Đỉnh, Nhẫn Tam muội da trong Gia hành vị, thế đệ nhất pháp Tam muội da đoạn Năng-Thủ hoặc. Thứ ba, lấy bản tính quang minh chiếu rọi của trí tuệ Bồ Tát để nhập vào Đại lạc định, từ đó đạt đến cảnh giới dung hợp Hiển Mật. (8) Điểm khác biệt lớn nhất giữa tư tưởng giáo nghĩa của phái Tát Già với các phái khác là quan niệm về “Đạo quả”, tức Tâm tính là bản tính cao nhất của vạn vật; Tâm tính sau khi khôi phục lại Bản lai diện mục minh tịnh, thì có thể quan sát triệt để chân đế “tất cả đều không”, đạt đến cảnh giới minh không vô chấp, minh không dung hòa. (9) |
Home » 文章分类_VN » CHÂN TƯỚNG MẬT TÔNG TÂY TẠNG |