Home » 文章分类_VN » CUỒNG MẬT VÀ CHÂN MẬT |
Mục 2: Vọng tưởng về Ngũ trí tu từ các tạp hành của Mật tông |
Pháp đồ giản lược quán tưởng tụng niệm du già Ngũ trí chữ Hồng: Mật tông nói rằng: Thực hiện quán tượng tụng niệm du già Ngũ trí theo hình đặc định ở trên thì có thể thành tựu Ngũ trí: “Một, ánh sáng màu lam của Không điểm đại diện cho Bất Động Tôn Phật ở trung ương – Pháp giới Thể tính trí. Hai, ánh sáng màu trắng bán nguyệt ngửa đại diện cho Chúng Minh Chủ Phật ở phương đông – Đại viên kinh trí. Ba, ánh sáng màu vàng nét ngang trên chữ Cáp đại diện cho Bảo Sinh Phật ở phương nam – Bình đẳng tính trí. Bốn, ánh sáng màu đỏ nét gập dưới chữ Cáp đại diện cho A Di Đà Phật ở phương tây – Diệu quan sát trí. Năm, ánh sáng màu lục bùa trường âm và mẫu âm đại diện cho Hữu Nghĩa Thành Tựu Phật ở phương bắc – Thành sở tác trí. Sáu, toàn chữ Hồng ánh sáng ngũ sắc tức đại diện cho toàn thể Ngũ phương, Ngũ Phật, Ngũ trí. Quán tưởng như trên. Theo đó mà tụng niệm rằng: ‘Ban tạp nhi tát đỏa, na ma, ông, sa địa. Tam thế Phật tâm, tổng nhiếp tận vô dư; vô thủy vô nhiễm, viên mãn vượt qua biểu đạt của ngôn ngữ. Ngũ trí hợp thể, tịch chiếu không có chướng ngại; Hiển ở chữ Hồng này, đầy đủ vạn nghĩa văn. Ngũ độc chuyển thành, Ngũ trí tự tính minh. Từ việc tu du già này, quán ở chữ chủng thắng diệu. Chứng được như thế, Tứ thân hợp vào Ngũ trí. Thánh Kim Cương tâm, đời này quyết thành tựu. Tát nhi ngõa, tất địa, ca li thương đô, thư bảng. (Hết phần pháp giản lược quán tưởng tụng niệm du già Ngũ trí chữ Hồng)” (122-650~652) Ngũ trí mà Mật tông nói hoàn toàn khác với Tứ trí trong Phật giáo, hoàn toàn chỉ là Ngũ trí tưởng tượng, không phải là Ngũ trí mà Phật thuyết trong các kinh. Trong các kinh, Phật chỉ nói có Tứ trí ở Phật địa, trong đó Pháp giới Thể tính trí mà Phật nói chính là trí tuệ chứng được Như Lai Tạng, cội nguồn của Pháp giới chỉ là Thức thứ tám Như Lai Tạng. Trí tuệ của tất thảy Pháp giới của Tứ thánh Lục phàm ba đời mười phương đều coi việc chứng biết cội nguồn của Pháp giới này là cội nguồn của trí tuệ, vì tất thảy Pháp giới đều phải dựa vào Như Lai Tạng mà có. Mật tông hoàn toàn hiểu sai về ý nghĩa chân thực của Pháp giới Thể tính trí, cho nên việc Mật tông nói “Phật cứu cánh của Mật tông” tăng thêm một trí tuệ (Pháp giới Thể tính trí) so với Phật của Hiển giáo chỉ là vọng thuyết, vì sự hiểu biết của Mật tông đối với Pháp giới Thể tính trí chỉ là vọng tưởng mà thôi. Ví dụ, Tông Khách Ba nói thế này: “Lại quán tưởng trong nhị nguyệt hoặc trong nhật nguyệt, từ chữ chủng tử biến thành chủng tử cờ tiêu (cây cờ mốc) trang nghiêm, sinh ở trong cờ tiêu. Trong cuốn “Hỷ Kim Cương song thân nghi quỹ”, luận sư Nan Thắng Nguyệt và Tịch Tĩnh nói sinh ra hai cờ tiêu phụ mẫu, nhưng trong các cuốn như “Phổ Hiền tu pháp” lại chỉ nói sinh một. Tiếp đến, từ chủng tử cờ tiêu phóng quang để làm lợi ích cho hữu tình, rồi thu về làm một. Đa phần thì không nói đến việc thu phóng quang minh, nhưng có nói hợp lại làm một. Sau đó thì phải quán thân tướng viên mãn. Trong đó an lập Ngũ trí. “Giáo thụ huệ” nói: “Dị thục quả và Đẳng lưu quả của Mẫu vận Phụ âm, như thứ tự của nó là 32 tướng của Đại viên kính trí, 80 chủng tùy hình hảo của Bình đẳng tính trí. Trên cờ tiêu có chủng tử trang nghiêm tức là Diệu quan sát (trí), phóng thu hợp nhất tức là Thành sở tác (trí), thân tướng viên mãn tức là Pháp giới Thể tính trí”. Như vậy, thứ hai là Nhật luân, đa phần cũng giống với thuyết này. Trì Tường nói nhị nguyệt là Đại viên kính trí, hai thứ này hợp nhất thành Bình đẳng tính trí, chủng tử là Diệu quan sát trí, cờ tiêu là Thành sở tác trí, thân tướng viên mãn giống như trên. Thầy Dược Túc cũng nói nhị nguyệt hợp nhất là Bình đẳng tính trí”. (21-511) Mật tông thường tự đem các danh tướng thuyết minh về thứ tự tu chứng trong Phật pháp để giải thích theo ý riêng của mình, khiến cho người tu học ngộ nhận rằng: “khi chứng được các cảnh giới mà họ nói, tức là đã thành Phật quả hoặc các quả vị Bồ Tát ở chư địa”. Như thế là dẫn dắt sai lầm chúng sinh, hại người không nhẹ, vì chắc chắn sẽ khiến cho người tin theo đọa vào trong đại vọng ngữ nghiệp. Trong cuốn “Mật tông đạo thứ đệ quảng luận”, Tông Khách Ba cũng loạn ngôn vọng giải như thế, nói rằng nếu khi quán tưởng các tướng minh nguyệt và cờ tiêu chữ chủng tử thành công, tức là đã có được Tứ trí ở Phật địa, dẫn dắt sai lầm chúng sinh rơi vào trong đại vọng ngữ nghiệp, vì Đại viên kính trí và Thành sở tác trí trong Tứ trí chỉ ở Phật địa cứu cánh mới có được. Thế nhưng cảnh giới quán tưởng mà Tông Khách Ba nói đó đều là pháp hữu tướng. Trong các kinh “Lăng Già, Bát Nhã”, Phật vẫn thường xuyên nói các pháp hữu tướng là pháp hư vọng, không nên chấp trước. Nhưng Tông Khách Ba “chí tôn” có trí tuệ nhất trong Mật tông lại đem pháp hư vọng hữu tướng do quán tưởng (ví dụ như Nội tướng phần nhật nguyệt luân và chữ chủng tử do hành giả quán tưởng mà thành) nói là thể của Ngũ trí, như vậy là kẻ lấy pháp hư vọng để thay thế cho chính pháp, thì sao không thể nói đó là kẻ phá hoại Phật pháp được? Trí tuệ vô hình vô sắc, sao có thể dùng pháp hữu tướng do quán tưởng mà thành để phối với Tứ trí ở Phật địa và Pháp giới Thể tính trí được? Không thể có cái lý ấy! Lại nữa, cái tướng của quán tưởng mà Tông Khách Ba nói lại hoàn toàn không liên quan gì đến Tứ trí và Pháp giới Thể tính trí, cho nên người nào thực hành theo pháp quán tưởng do Tông Khách Ba nói mà quán tưởng thành công, vẫn sẽ hiểu sai về ý nghĩa của “kinh Lăng Già”, “kinh Bát Nhã” trong Đại thừa, đọc mà không hiểu; vẫn sẽ hoàn toàn hiểu sai mà tự cho rằng mình đã hiểu đúng. Cho nên, những người có thể quán tưởng như thế trong Mật tông, số người thành công không phải là thiểu số, nhưng những người quán tưởng thành công này vẫn hoàn toàn không hiểu, hoàn toàn hiểu sai về Tổng tướng trí, Biệt tướng trí và Đạo chủng trí trong trí tuệ Bát Nhã mà tôi đã từng nói. Tông Khách Ba lại nói thế này: “…Tham tính Di Đà ấn thiệt (lưỡi), vì cái tham duyên vị có sức mạnh nhất. Bất Không ấn thân, Bất Không thành tựu thể tính là phong, vì biến khắp toàn thân. Bất Động Phật ấn Ý căn, vì Ý thùy các căn mà chuyển. Pháp tu Phổ Hiền nói tùy theo các căn ấn chứng sắc… Tổng luận nói về các thứ khác: lấy Tỳ Lô Phật để ấn sắc thiên, sắc kim cương, vì sắc là sở y của Si; Bảo Sinh (Phật) ấn thanh, vì các âm thanh xưng tán dẫn sinh mạn tâm; Di Đà (Phật) ấn hương, vì duyên bám các hương như hồng hoa mà tham trước. Bất Không (Phật) ấn vị, vì đầy tất cả các chi (chân tay) lan khắp các chi mà chuyển. Bất Động (Phật) ấn xúc, vì lan khắp các căn. Ở Pháp cũng vậy: trong Tứ giới lấy Tỳ Lô Phật ấn địa giới thiên, vì có tính kiên ngạnh làm sở y của ngu si. Bất Động (Phật) ấn thủy, đồng đẳng với hư không, vì có thể đoạn, có thể xuyên đều do nó nhiếp thụ. Di Đà (Phật) ấn hỏa, vì có quang (ánh sáng); Bất Không (Phật) ấn phong, vì có thể lan khắp chỗ động. Si Kim Cương thì ấn Phật nhãn…, vì đó là Minh Phi của Si Kim Cương. Cái lý ấn các minh vương, bắt đầu từ phương đông đến góc đông bắc với hai vị minh vương trên dưới, mỗi chỗ hai vị minh vương. Theo như thứ tự đó thì lấy Tỳ Lô, Bảo Sinh, Di Đà, Bất Động ấn chứng, tương ứng với Ngũ hoặc ngu si, ngã mạn, tham trước, đố kỵ, sân khuể, vì coi thọ dụng đoạn tận (chúng) là thể tính”. (21-523~524) Các thày Mật tông xưa nay với vọng tưởng của mình, tự ý phối trí Ngũ độc với Ngũ phương Phật, thật đúng là những kẻ đại vọng tưởng, còn Tông Khách Ba thì là kẻ đứng đầu trong số đó. Ngũ Phật như Di Đà…đều đã đoạn tận Ngũ độc như tham dục…từ vô số kiếp trước, vì thế mà thành Phật, sao lại có cái lý phối trí như vậy của hành giả Mật tông? Mà Mật tông bám duyên vào Ngũ sắc của tướng thế gian để phối với Ngũ độc, rồi lại duyên bám vào Ngũ độc của tướng thế gian để phối với Ngũ Phật, hoàn toàn chỉ là pháp vọng tưởng, hoàn toàn không liên quan gì đến lý luận và hành môn tu chứng của hai đạo chủ yếu trong Phật pháp. Bọn họ còn đem bốn vị Phật phối với địa thủy hỏa phong, lấy Si Kim Cương phối với Phật nhãn, cũng hoàn toàn không liên quan gì đến tu chứng Phật pháp, thuần chỉ là hý luận mà thôi. Sự phối trí loạn bậy như vậy mà nói đó là Phật pháp, đúng là chuyện xưa nay chưa từng có. Lại nữa, cái lý ấn cho các minh vương cũng rất tà trái hoang đường. Vì sao vậy? Vì Ngũ Phật không coi thọ dụng đoạn tận bằng Ngũ độc, Ngũ hoặc là thể tính như Mật tông nói, mà Ngũ Phật đều lấy Tự tính của Thức thứ tám Chân Như làm Thể tính của mình. Thể tính của Ngũ độc sinh ra do chúng sinh không hiểu “kiến văn giác tri và khổ lạc thụ hư vọng” do “Ngũ uẩn Ngã, Thập bát giới Ngã” hiển hiện ra. Truy cùng gốc gác thì Ngũ độc lấy “Ngã kiến, Ngã chấp” làm thể tính căn bản của mình, sao có thể lấy “thọ dụng đoạn tận là thể tính” như Mật tông nói? Không đúng chính lý chút nào. Từ cái lối suy nghĩ hư vọng đó, họ xây dựng nên thuyết thể tính “ngũ Phật phối với ngũ độc”, quả thực là những kẻ hiểu sai Phật pháp đến cùng cực trong thế gian. Với các pháp nói dựa trên vọng tưởng của bọn họ mà cho rằng có thể đoạn trừ Ngũ độc, nói có thể chuyển Ngũ độc thành Ngũ trí, sao có thể tin được? Ấy thế mà các hành giả Mật tông lại tin sâu không chút nghi ngờ? Quả đúng là quái lạ! Tứ trí, Ngũ trí mà Tông Khách Ba nói đó đã được các thày Mật tông hết mực tin theo, cho nên sự lý giải của các thày Mật tông đối với Tứ trí, Ngũ trí hoàn toàn sai khác với ý Phật. Vì thế, Tứ trí, Ngũ trí mà các thày Mật tông xưa nay nói, tu và chứng đều không phải là Tứ trí mà Phật tuyên thuyết, cũng không phải là Pháp giới Thể tính trí của các Bồ Tát thất trụ sơ ngộ, mà đều là Ngũ trí do Mật tông từ xây dựng trên vọng tưởng của riêng họ. Điều này khiến cho người ta hiểu nhầm rằng các thày Mật tông xưa nay quả thực đã thành Phật đạo rồi, vì thế mà không ai dám tùy tiện phê bình họ, cũng vì thế mà khiến cho các thày Mật tông tùy tiện sử dụng các tài nguyên Phật giáo và dần dần cưỡi lên trên Hiển tông, thậm chí cuối cùng thay thế Hiển tông bằng Mật tông, thoán đoạt chính pháp, trở thành người đại diện chính thống của Phật giáo vào thời kỳ cuối ở Thiên Trúc. Phật giáo vì thế mà bị diệt vong trên thực chất, chỉ còn lại biểu tướng (vẻ bề ngoài) ở các chùa chiền Phật giáo và những người xuất gia, Ấn Thuận gọi đó là Phật giáo thời kỳ cuối. Tất cả các đại sư, người học Phật Hiển giáo chúng ta cần nên cảnh giác tối đa trước những điều này, làm những việc nên làm, không làm những việc không nên làm. Trong Mật tục của Tây Tạng có những lời hư vọng, mà Mật tục được thu nhập vào trong “Đại Chính Tạng” cũng có những vọng ngôn như thế: “Người đại tu hành mới bắt đầu phát tín tâm để thể hiện Bồ Đề tâm, tức Đại viên kính trí Hột Li Na Dã tâm, là nội tâm của chúng sinh. Lấy chữ Hồng làm chủng tử, chủng tử biến đổi là Nguyệt luân, trong luân quang minh quán tưởng Ngũ trí Kim Cương chùy quang minh chiếu rọi, tức biến đổi chùy làm Kim Cương Tát Đỏa, là tên khác của Phổ Hiền Bồ Tát, nó đại diện cho A Súc Như Lai Kim Cương bộ ở phương đông, tức là Đại viên kính trí. Tiếp đến lễ bái Phúc Đức Tụ Bảo Sinh Như Lai ở phương nam, quán tưởng trì Ma ni bảo bình, tưởng quán đỉnh với tất thảy Như Lai. Tức Hư Không Tạng Bồ Tát chấp bảo châu Ma ni, thành tựu sở nguyện của tất thảy chúng sinh. Từ phúc đức tụ công đức này, vô lượng vô biên uy quang hiển lộ, mọi sở cầu đều thỏa mãn. Đó là phần nằm trong Bảo Sinh Như Lai bảo bộ, tức là Bình đẳng tính trí. Tiếp đến kính lễ A Di Đà Như Lai ở phương tây, đại diện cho Tam ma địa trí của tất thảy Như Lai. Từ sơ phát tâm có thể chuyển pháp luân, biện vô ngôn thuyết, lý vô nhai tế, thu vào Ngữ bộ, có thể khiến chúng sinh thông minh lợi trí. Đó là nội dung hàm nhiếp trong Tây phương pháp bộ, tức Diệu quan sát trí. Tiếp đến kính lễ Bất Không Thành Tựu Như Lai ở phương bắc, với phương tiện đại từ, có thể thành tựu sự nghiệp tất thảy Như Lai, và sự nghiệp của chúng sinh. Từ phương tiện thiện xảo trí của Tỳ Thủ Yết Ma Bồ Tát, có thể thành tựu Bồ Đề tâm của tất thảy hữu tình, cứu cánh bất thoái; ngồi ở đạo tràng Bồ Đề, hàng phục chúng ma, rất nhiều phương tiện không cho hủy hoại, cũng có thể biến hư không thành kho tàng, trong đó trân bảo đầy ắp trong hư không, cúng dường tất thảy chư Phật vi trần mười phương. Hư Không Kho Bồ Tát này là tên khác của Tỳ Thủ Yết Ma Bồ Tát, hành nguyện sở thành ấn, truyền pháp môn giải thoát kiên cố, khéo hộ trì phương tiện đại ấn của tam Mật môn. Đó là nội dung hàm nhiếp trong Nghiệp bộ, tức Thành sở tác trí. Mọi nghi quỹ và chân ngôn lễ bái Phật bốn phương đều nói rõ trong kinh. Cần biết rằng Tỳ Lô Giá Na Phật ở phương trung ương chính là Như Lai bộ, báo thân viên mãn, vạn đức trang nghiêm, ở trong bảo điện lầu gác đại ma ni của núi báu Tu Di Lô Đỉnh, ngồi đài kim cương, thành Chính Đẳng Giác, hàng phục ma chúng; ở các lỗ chân lông phóng ra đại quang minh, Như Lai và các thánh chúng mười phương đều đến cùng chứng. Các Bồ Tát thập địa viên mãn đều đến dự hội này, ai nấy ngồi ở vị trí của phương mình, trú trong Tam ma địa tâm, đều từ trong nội trí Tỳ Lô Giá Na Như Lai tâm lưu xuất ra vô lượng vô biên pháp môn bí mật. Bồ Tát tu hành tương ứng Tam muội, du già lý trí đầy khắp Pháp giới tâm. Ngũ trí đại Bồ Đề này viên mãn, tức là Chân Như Pháp giới trí của Tỳ Lô Giá Na Như Lai, đứng ở vị trí trung ương” (“Kim Cương Đỉnh du già lược luật tam thập thất tôn tâm yếu” Đại Chính Tạng 18-292 thượng). Qua ngôn thuyết như vậy, có thể chứng tỏ rằng sự biện luận phán định của tôi đối với Pháp giới Thể tính trí của Mật tông không hề sai lầm chút nào. Pháp giới Thể tính trí mà Mật tông nói là phải dựa trên việc Tứ trí đã đầy đủ viên mãn thì mới nói đó là Pháp giới Thể tính trí. Thế nhưng, Ngũ trí tức là sự đầy đủ của Tứ trí mà thôi, đâu cần Mật tông phải phát minh thêm về thuyết Ngũ trí để đứng trên đầu Hiển giáo, chẳng khác gì vẽ rắn thêm chân. Chẳng qua là họ muốn mê hoặc những người học sơ cơ, khiến họ ngộ nhận rằng tu chứng Phật của Mật tông quả thực cao hơn Phật Hiển giáo một bậc, kỳ thực vẫn chỉ là phàm phu ngoại đạo, chẳng hề có thực chất tu hành Phật pháp nào đáng nói. Mà gốc của Tứ trí, thực tế nằm ở thể tính và chứng đắc Như Lai Tạng gốc rễ của pháp giới tứ thánh lục phàm, chứ không phải như Mật tông lấy Tứ trí viên mãn để tăng thêm cái tên gọi Pháp giới Thể tính trí, có thể làm rõ chúng. Vì sao vậy? Vì thể tính của Pháp giới chính là thể tính của Thức thứ tám Chân Như. Người chứng biết được thể tính của Pháp giới này tức là đã phát khởi trí tuệ thể tính Pháp giới, thì mới gọi là Pháp giới Thể tính trí. Lại nữa, chư Phật đều có đủ Tứ trí viên minh, đâu cần phải lấy A Súc Như Lai ở phương đông để đại diện cho Đại viên kính trí? Sao lại còn phải lấy Bảo Sinh Như Lai ở phương nam đại diện cho Bình đẳng tính trí? Sao còn phải lấy A Di Đà Phật ở phương tây đại diện cho Diệu quan sát trí? Sao còn phải lấy Bất Không Thành Tựu Như Lai ở phương bắc đại diện cho Thành sở tác trí? Sao còn phải tập hợp Tứ trí của bốn vị Như Lai này để thành Ngũ trí của Tỳ Lô Giá Na Như Lai ở trung ương? Mà thành Pháp giới Thể tính trí? Giả sử có như vậy đi chăng nữa, thì nghĩa là bốn vị Phật kia đều vẫn chưa thành tựu Phật đạo cứu cánh, vì mỗi vị đều chỉ có một trí tuệ mà thôi. Lời lẽ điên đảo như vậy, tại sao các hành giả Mật tông đều là những người thượng thượng căn mà lại tin vào những lời nói hạ hạ cấp như vậy, lại còn nghe mà không mảy may nghi ngờ, không hề tư duy kiểm tra thêm? “Bát thức quy củ tụng” trong Duy Thức học nói rằng: “Lục thất nhân trung chuyển, ngũ bát quả thượng viên”. Lời tụng đó, phàm là người học Phật nghe nhiều là có thể hiểu được. Ý của câu tụng là: Diệu quan sát trí mà Thức thứ sáu tương ứng và Bình đẳng tính trí mà Thức thứ bảy tương ứng khi ở Nhân vị (Bồ Tát vị), vì đã chứng được Thức thứ tám rồi nên ở quả vị Bồ Tát thất trụ, chúng đã bắt đầu hiện hành vận chuyển rồi. Chúng chuyển tiến lên từng địa cùng với việc tăng trưởng trí tuệ của Bồ Tát, đến Phật địa mới được viên mãn. Thành sở tác trí mà tiền Ngũ thức tướng ứng và Đại viên kính trí mà Thức thứ tám tương ứng thì phải ở Quả vị (Phật địa cứu cánh) mới có thể hiện hành tại lúc viên thành. Như vậy, hai vị Phật là A Súc Như Lai và Bất Không Thành Tựu Như Lai trong số các vị Phật bốn phương kia nếu đã có Đại viên kính trí và Thành sở tác trí rồi thì nghĩa là hai vị Như Lai đó đã sớm chứng được Tứ trí viên minh rồi, đã thành Phật từ lâu rồi, đâu cần phải nhờ Mật tông tập hợp hai trí tuệ của Như Lai mới trở thành Pháp giới Thể tính trí của Tỳ Lô Giá Na Như Lai? Tuyệt đối không thể có cái lý đó! Lại nữa, Mật tông nói như vậy, cũng có ý cho rằng A Di Đà Phật và Bảo Sinh Như Lai đều chưa thành Phật, vì họ đều chưa có đủ Tứ trí mà. Trước những lời lẽ tà kiến như thế mà những người biên tập các tạng kinh lại không hề hay biết sự tà trái hoang đường của nó, biên nhập chúng vào trong Đại Tạng Kinh, thật là ngu si cùng cực! Các thày Mật tông tuy đề xướng thuyết Ngũ trí, cũng nói đã có nhiều tổ sư Mật tông chứng được Phật quả, nhưng quan sát sở thuyết, sở tu, sở chứng của các thày Mật tông thì thấy họ đều chưa từng chứng được Thức thứ tám, hoàn toàn không hiểu gì về thể tính của Pháp giới. Những “nhà đại tu hành” của Mật tông đó đã bao giờ nằm mơ thấy thể tính của Pháp giới nằm ở đâu chưa mà tự nói Mật tông thắng diệu hơn cả Hiển giáo? tự nói mình đã chứng được thánh thành Phật, thành đại Bồ Tát? Kỳ thực, đó đều chỉ là lời lẽ vọng tưởng của phàm phu ngoại đạo, còn chưa biết đến trí tuệ Tổng tướng Bát Nhã của Bồ Tát thất trụ vị, huống hồ có thể chứng được Đạo chủng trí của các Bồ Tát địa thượng mà nói khoác đến Tứ trí ở Phật địa? mà nói láo rằng Pháp giới Thể tính trí còn thắng diệu hơn cả Tứ trí của Hiển giáo, rồi dùng nó để sùng Mật ức Hiển? Chỉ có những người vô trí mới có thể tin lời họ. Còn những người biên tập tạng kinh cũng không biết, không chứng Bát Nhã, chỉ nhìn thấy thanh thế to lớn của Mật tông sau này đã thay thế cho Phật giáo chính thống, nên họ đã cho rằng Mật tông chính là Phật giáo, bèn đem Mật tục do các tổ sư Mật tông biên tạo thu nhập vào trong Đại Tạng Kinh, gây hại cho người đời sau đến cả vạn năm. Những hành vi đó, đâu chỉ là vô công mà còn cộng thành đại ác nghiệp phá hoại chính pháp. Mà những người biên tập tạng kinh kia trước khi chết đâu có biết gì về việc này, chỉ sau khi chết mới biết, những đã không thể làm gì được nữa rồi. Lại nữa, Mật tông Tây Tạng còn có vọng tưởng về trí quang của Ngũ trí trong cảnh giới Trung âm thân thế này: “…Ông XXX tôn quý ơi! Chính vào lúc này đây, có ánh sáng khế hợp Tứ trí, nó cực kỳ trong sáng mỹ diệu, tựa như các sợi dây tơ, cũng giống như những tia nắng được phóng ra từ trong tâm các vị phụ mẫu thanh tịnh (Phật song thân ôm và giao hợp với người nữ) của ngũ phương Phật thổ, chiếu đến tâm ông. Trên đường sáng quang minh này, sẽ có Pháp giới thể trí quang, phát ra các loại quang cầu màu lam rực rỡ bốn phía, cái nào cái ấy như cốc ngọc lộn ngược. Xung quanh các quả quang cầu này lại có các quang cầu hình thể nhỏ hơn, nhưng sáng láng, trong suốt lại lung linh rực rỡ. Các quả quang cầu này lại vì có năm quả quang cầu nhỏ hơn và năm điểm ngôi sao tương tự vây quanh làm nó càng thêm xán lạn, khiến cho đường quang đạo màu lam này được các quả quang cầu màu lam và các quang cầu vệ tinh nhỏ hơn chiếu rọi lẫn nhau, đều hiển hiện thông suốt thấu triệt từ trong ra ngoài. Có Kim Cương Tát Đỏa (tay ôm và giao hợp với người nữ) phát ra một đạo Đại viên kính trí quang minh từ trong tâm, ánh sáng đó màu trắng trong suốt, xán lạn đẹp mắt, khiến người ta kính sợ, xung quanh có các loại quang cầu trong suốt với những quả quang cầu nhỏ hơn vây quanh, quả nào cũng như một tấm gương sáng úp ngược, chiếu rọi lẫn nhau khiến chúng càng thêm sáng suốt. Lại có Bảo Sinh Như Lai (tay ôm và giao hợp với người nữ) phát ra một đạo Bình đẳng tính trí quang minh có màu vàng từ trong tâm, xung quanh có các quả quang cầu màu vàng; bên ngoài các quang cầu này lại có các quả quang cầu màu vàng nhỏ hơn vây quanh; rồi bên ngoài các quả quang cầu nhỏ hơn lại có những quang cầu màu vàng nhỏ hơn nữa bọc lấy, quả nào cũng tựa như cái cốc vàng để ngược, chiếu rọi lẫn nhau, rực sáng lạ thường. Lại có A Di Đà Phật (tay ôm và giao hợp với người nữ) phát ra một đạo Diệu quan sát trí quang minh từ trong tâm, nó có màu đỏ trong suốt, xung quanh được bọc bởi các quang cầu màu đỏ, quả nào trông cũng như cái cốc san hô đặt ngược, đều phát ra ánh sáng trí tuệ, cực kỳ sáng láng đẹp mắt. Bên ngoài các quang cầu này lại có các quả quang cầu màu đỏ nhỏ hơn vây quanh chiếu sáng, cực kỳ sáng sủa; vì có các quang cầu màu đỏ, các quang cầu vệ tinh nhỏ hơn chiếu rọi lẫn nhau từ trong ra ngoài nên khiến cho đạo quang minh màu đỏ này hiển hiện thông suốt, thấu triệt…Tất cả những thứ này đều là ánh sáng trí tuệ của ông đến chiếu rọi, chứ không phải là từ chỗ khác đến. Ông không thể trân trọng chúng, không thể khiếp sợ, cũng không cần sợ hãi. Ông chỉ cần an trú trong tĩnh định vô niệm, thì tất cả các hình tướng và ánh sáng nói trên liền hòa nhập vào trong Tự tính của ông, khiến ông chứng được Phật quả. Luồng Thành sở tác trí quang minh màu lục, sở dĩ không phóng quang đến chỗ ông là vì trí thể tuệ dụng của ông vẫn còn chưa đạt đến độ mở rộng viên mãn, cho nên vẫn chưa cảm ứng mà xuất hiện… Chỉ cần nhớ lại các yếu lĩnh thực hiện quán tưởng là có thể biết được các luồng ánh sáng này vốn là sự phản ánh ánh sáng nội tâm của ông. Một khi ông coi chúng là bạn tốt, thì ông sẽ tin cậy chúng, hiểu biết chúng, tựa như con cái hiểu mẹ mình vậy. Ông chỉ cần tin hiểu chân lý thanh tịnh và thiêng liêng này, cái tình đó không biến không dị, thì ông sẽ sinh ra một loại định lực Tam muội tịnh niệm nối tiếp. Một khi ông hòa nhập hoàn toàn vào trong trí thể giác tỉnh, ông sẽ có thể chứng được Phật quả Báo thân, từ đây sẽ không còn thoái chuyển đọa lạc nữa”. (139-66~67) Pháp của Mật tông thường đem tất cả Phật pháp ra để tăng cường hình tượng hóa, cũng đem trí tuệ cả mà Phật nói để hình tượng hóa và cụ thể hóa, thật đúng là tà kiến. Tất cả mọi trí tuệ trong tu chứng Phật pháp đều là các loại “chủng tử” trong Tự tâm Thức thứ tám mà Tâm giác tri chứng được – tức là các công năng sai biệt của Tự tâm Thức thứ tám và các công năng sai biệt của Tự tâm tiền thất thức mà nó hàm chứa. Cái trí tuệ chứng biết như vậy, tất thảy đều không có hình tướng, quang tướng nào hết, há lại có thể dùng quang tướng để truyền, để hiển, để chứng? Tuyệt không thể có cái lý đó! Lại nữa, bản thân mình vẫn còn đang ở trong phàm phu vị của Học địa, căn bản vẫn chưa biết, chưa hiểu Phật pháp, thì sao Tự tâm chưa tu chứng Phật pháp lại (bỗng dưng) có đầy đủ Phật pháp để cứu chính mình vào lúc chết? mà thành Phật cứu cánh? Lý này không thông chút nào! Cho nên, những nội dung nói trong “Tây Tạng độ vong kinh” đó đều là tà trái, hoang đường, trái ngược với chính lý, không phải là nội dung của Phật pháp, chỉ là ngoại đạo trộm dùng danh tướng của Phật giáo để thực hiện những hư vọng tưởng như vậy, thế mà sao những người tự xưng là tối thượng thượng căn trong Mật tông lại không hề hay biết đến những sai lầm tà trái này, mà lại còn tin theo không chút nghi ngờ? Lại nữa, các trí quang của “Ngũ Phật” nếu đã là ánh sáng xuất hiện từ trong tâm mình thì lẽ ra phải chiếu xạ từ tâm ra ngoài, chứ không phải là từ bên ngoài chiếu đến thân mình. Mật tông tự đem những vọng tưởng đó ra để làm “Phật pháp” và khai thị, thật đúng là cuồng vọng, tuyệt đối không thể gọi là Phật pháp được, vì thế mà sai lầm chồng chất. Mật pháp mà đầy rẫy sai lầm như thế thì sao có thể nói là pháp dành cho các bậc thượng thượng căn tu hành được? Thực chất chỉ là ngoại đạo pháp dành cho những người vô trí tu học mà thôi. Các thày Mật tông đều lấy cảnh giới thể nghiệm Minh Không Lạc Không song vận của Tâm Ý thức để chứng đắc Pháp giới Thể tính trí. Sau đó lại tôn cao cảnh giới của thường kiến ngoại đạo này lên, thắng diệu hơn cả Tứ trí mà Phật chứng được trong Hiển giáo. Họ đem thứ “Phật pháp” sai lầm này ra để trách những người khác là không hiểu gì về Pháp giới Thể tính trí. Ví dụ, hai vị Trần Thuần Long và Đinh Quang Văn sau khi hiểu sai về Phật pháp đã quay sang trách tôi thế này: “…Bốn loại Phật trí trên đồng thời song song, cùng nhau hiển hiện, dung hòa lẫn nhau không có chướng ngại, trong Mật tông gọi đó là Pháp giới Thể tính trí. Pháp giới Thể tính trí này đại diện cho Thành sở tác trí (Chú thích gốc: Phật Bồ Tát hiện các loại thần thông trong kinh Hoa Nghiêm), Diệu quan sát trí (Chú thích gốc: có thể chia thành “Định Tuệ đẳng trì” lúc nhập định và có thể khéo phân biệt các pháp tướng, ở Đệ nhất nghĩa mà bất động (Chú thích gốc: trong kinh Duy Ma Cật) lúc “Diệu quan sát vô ngại biện thuyết”), Bình đẳng tính trí (Chú thích gốc: Ý thức tầng sâu không có hai chấp Ngã, Pháp tâm vô quái ngại) và Đại viên kính trí (Chú thích gốc: Như thực quan, cảnh giới Niết Bàn tịch tĩnh). Bốn loại Phật trí nói trên đồng thời cùng nhau chương hiển, kiêm dung vô ngại, đó chính là tinh hoa của “Pháp giới Thể tính trí”. Chỉ cần Ý thức tầng sâu không có Ngã chấp và Pháp chấp, thì “nhất niệm bất năng khởi” trong Thiền tông sẽ chuyển thành “Định Tuệ đẳng trì”; hoặc “Huệ Năng vô kỹ lưỡng, không đoạn trăm tư tưởng” chuyển thành “có thể khéo phân biệt các pháp tướng, ở Đệ nhất nghĩa mà bất động” đều thành lập. Nguyên nhân chính là do “Pháp giới Thể tính trí” cho phép Diệu quan sát trí (Chú thích gốc: nhập định và Diệu quan sát vô ngại biện thuyết), Bình đẳng tính trí (Chú thích gốc: không có Ngã Pháp nhị chấp), Đại viên kính trí (Chú thích gốc: Như thực quan) đồng hành cùng nhau hiển hiện. Qua đó có thể thấy rằng tư tưởng về Pháp giới Thể tính trí của Mật tông là một đại lợi khí, lấy đó làm nền tảng, có thể dùng để phá giải các loại kinh văn khiến mọi người đau đầu nát óc, …ngoài ra, có một số người cố ý lẫn lộn về thứ tự tu hành, chủ trương phải chứng được Pháp giới Thể tính trí trước, sau đó quay lại chứng bốn loại Phật trí nói trên. Đây là quan niệm sai lầm lấy Quả làm Nhân chuẩn mực, bởi vì muốn chứng được cảnh giới Đại viên kính trí và Thành sở tác trí thì buộc phải thành Phật viên mãn mới được. Thông thường, Kiến tính khai ngộ trong Thiền tông chỉ tương đương với cảnh giới Sơ địa mà thôi, còn chưa thành Phật, không thể chứng được Pháp giới Thể tính trí với bốn loại Phật trí đồng thời vận hành, cùng nhau chương hiển kiêm dung vô ngại, cho nên lối nói lấy Quả làm Nhân này là kiến giải sai lầm”. (226-8)
|
Home » 文章分类_VN » CUỒNG MẬT VÀ CHÂN MẬT |