Home » 文章分类_VN » CUỒNG MẬT VÀ CHÂN MẬT |
Tiết 11: Phải tẩn xuất song thân pháp của Mật tông ra ngoài Phật giáo -2 |
Ý văn của Tông Khách Ba trong đoạn này là nói thấy “Thế Tôn” vì đại tham – đệ tứ hỷ - mà thành Phật đạo, cho nên “Ta tu Chân thực tính”, nói người tu đệ tứ hỷ của Song thân pháp như thế có thể đoạn trừ tất cả mọi chướng và đoạn tập khí của Phiền não chướng. Thế nhưng, hiện quan (xét thấy) cái gọi là “người đã thành Phật đạo” của tất cả các tổ sư xưa nay của Mật tông quả thực không có người nào đã phá được Sở tri chướng, huống hồ là đoạn tận Sở tri chướng? Vì sao vậy? Vì tất cả những người đã tu thành công cảnh giới đệ tứ hỷ mà “thành Phật đạo” của Mật tông từ xưa đến nay đều không biết cũng không chứng được Thức thứ tám Như Lai Tạng, trong khi việc chứng đắc trí tuệ Bát Nhã thực tế là sau khi chứng được Thức thứ tám thì mới bắt đầu sinh khởi. Sau khi chứng được Thức thứ tám Như Lai Tạng thì mới có thể tiến tu Biệt tướng trí của Bát Nhã và Nhất thiết chủng trí. Lại nữa, người đoạn trừ Phiền não chướng, phải bắt tay từ việc đoạn trừ Ngã kiến. Thế nhưng những người thành tựu “Tất địa ở Phật địa” mà các thày Mật tông xưa nay nói đều nhận định Tâm giác tri trong cảnh giới đệ tứ hỷ của dâm lạc là Tâm Thực tướng, là Tâm bất sinh bất diệt. Có điều, tri kiến như thế đều rơi vào trong “Ngã kiến” của phàm phu, mà trong chư kinh Tứ A Hàm, Phật đã nói Tâm giác tri đó là pháp hàm nhiếp trong Ngũ âm, là “Thường bất hoại Ngã” trong quan niệm của thường kiến ngoại đạo, là “Thường trụ bất hoại Thần Ngã”, “thường trụ bất hoại Đại Phạn Ngã” trong quan niệm của ngoại đạo Phạm Ngã, đều là nội dung bao hàm trong Ngã kiến cả. Tông Khách Ba đó chưa đoạn Ngã kiến mà nói là chí tôn thành Phật, chẳng phải là tối đại vọng ngữ ở thế gian ư? Thế mà các thày Mật tông kia tuyệt đại đa số đều không biết, không biện giải, thì sao có thể gọi là những người có trí tuệ được? Pháp tham nhiễm bất tịnh như vậy, thế mà trong đoạn văn trên, Tông Khách Ba cố tình xảo biện là pháp thắng diệu thanh tịnh, giảo ngôn nói “Tính có thể cảm thụ dâm lạc nó không có hình chất (sắc) nên gọi là Không tính”, nói rằng người tu chứng được như thế chính là thắng diệu pháp thanh tịnh nhất, gọi đó là vốn dĩ giải thoát, gọi là “tính Phổ Hiền”. Tu “Bồ Tát hành” như thế trái ngược rất rất nhiều so với chỉ ý của Phật. Tông Khách Ba dẫn “Tam thanh tịnh chân thực ca”: “Tôn không lỗi thường trụ, yêu trong tất thảy tham, Thế Tôn đại tham hỷ, ta tu chân thực tính” nói “Thế Tôn” có đệ tứ hỷ dâm lạc của Song thân pháp, và nói Báo thân của “Thế Tôn” thường trụ trong Đại Lạc của đệ tứ hỷ đó, nói rằng cái Đại Lạc này là sự tôn quý nhất thế gian, là không có tội lỗi, là thường trụ; còn cho rằng Đại Lạc này là Chân thực tính của Báo thân Phật, cho nên Tông Khách Ba dạy người ta tu “Chân thực tính” này như thế. Thật đúng là những lời lẽ hồ đồ! Trước khi muốn vào Sắc giới, thì phải đoạn trừ hết cái dâm lạc này, nếu không thì không thể chứng đắc Sơ thiền, huống hồ có thể thành A La Hán? Huống hồ có thể thành cứu cánh Phật? Thế nhưng các phái của Mật tông đều chủ trương buộc phải tu chứng cái “đại tham hỷ” thô nặng nhất trong Dục giới này, sau đó thành Phật, điên đảo đến thế là cùng! Tông Khách Ba hoàn toàn không hay không biết gì về đại lỗi lầm này, cứ theo đó mà trích dẫn, còn nói “Thế Tôn đại tham hỷ, ta tu chân thực tính”, cho rằng cái dâm lạc này là Chân thực tính, đồng thời chủ trương “phải tu tám thời” – tức mỗi ngày tu tám thời (16 tiếng), như thế cả tháng, cả năm, cả kiếp, cho đến tu cả ngàn kiếp, như thế mới là tinh tấn. Nhưng ông ta không biết người tu như vậy, càng tinh tấn bao nhiêu thì càng đọa lạc bấy nhiêu, càng tinh tấn thì càng xa rời Phật đạo, tăng trợ cho luân hồi mà vĩnh viễn không có ngày chứng được quả Giải thoát. Bởi vì những gì anh ta tu hoàn toàn trái ngược với đạo Giải Thoát mà Phật chỉ dạy. Lối tu hành Song thân pháp mà Tông Khách Ba nói còn không thể đoạn trừ được Ngã kiến, không thể chứng được giải thoát của Sơ quả Thanh Văn, nói gì đến giải thoát Tứ quả Thanh Văn? Người đã không thể tu chứng quả Giải thoát, không thể xúc chứng Thức thứ tám Như Lai Tạng như thế, mà nói có thể chứng được trí tuệ Bát Nhã giải thoát và Phật Bồ Đề quả, làm gì có chuyện đó! Tông Khách Ba sau khi trích dẫn bài ca đó, còn tự nói tu hành như thế không có tội lỗi gì, đồng thời có thể đoạn được tất cả mọi chướng và tập khí, nên mới nói: “nói không hề có lỗi lầm, là bởi đã đoạn tất cả các chướng và tập khí”. Thế nhưng, những người tu hành như vậy, thực tế là có rất nhiều lỗi lầm lớn, vì trái ngược với đạo Giải Thoát và đạo Phật Bồ Đề mà Phật tuyên thuyết. Người tu như thế, còn không thể phá được bất kỳ chướng nào, huống hồ là có thể đoạn chướng? huống hồ trừ được tập khí của hai chướng (Phiền não chướng và Sở tri chướng). Bởi cái đại tham đệ tứ hỷ của Song thân pháp chính là cái Dục giới ái mà đạo Giải Thoát phải đoạn trừ, cũng chính là “Dục ái trú địa” của Nhất niệm Vô minh nói trong Đại thừa, vốn là thứ phiền não có tầng thứ thấp nhất “tu sở đoạn hoặc” mà thánh nhân Nhị thừa phải đoạn trừ. Cái “chướng” ở đây có hai loại: Phiền não chướng và Sở tri chướng. Người đoạn được Phiền não chướng chứng quả Giải thát, có thể thoát khỏi luân hồi trong Tam giới; người đoạn được Sở tri chướng có thể chứng được Thực tướng Pháp giới cứu cánh vô dư, chứng được Nhất thiết chủng trí, từ đó mà viên mãn đạo Phật Bồ Đề mà thành Phật quả. Trong Phiền não chướng có hai loại Kiến hoặc và Tư hoặc cần phải đoạn. Kiến hoặc tức là Ngã kiến. “Ngã kiến” tức là ngộ nhận cái Tâm giác tri là Tâm thường trụ bất hoại, chính là cái mà bậc Thanh Văn Sơ quả phải đoạn. Sau khi đoạn được Kiến hoặc thì mới có năng lực đoạn trừ Tư hoặc. Tư hoặc có ba loại: Dục ái, Sắc ái, Hữu ái. “Dục ái” là chỉ tham trước Ngũ trần của Dục giới, chủ yếu là tham trước dâm dục nam nữ, cho nên còn gọi là Dục giới ái. “Sắc ái” là chỉ chấp trước vào cảnh giới của Sắc giới, chủ yếu là tham trước thân Sắc giới và Tâm giác tri trong Sắc giới định, cho nên còn gọi là Sắc giới ái. “Hữu ái” là chỉ chấp trước vào cái “Hữu – Có” của Vô sắc giới, tức là chấp trước, coi Tâm giác tri trong Tứ không định ở Vô sắc giới là Tâm thường trụ bất hoại, và chấp trước vào cái Tâm làm chủ tư lượng trong Vô sắc giới định – bản thân Mạt Na thức. Như vậy, Dục giới ái là phiền não thô nặng nhất trong Tư hoặc của đạo Giải Thoát cần phải đoạn trừ, cũng là phiền não ở thứ tự nông nhất trong “tu sở đoạn hoặc” trong đạo Giải Thoát, cũng là phiền não cần phải đoạn đầu tiên trong đạo Giải Thoát. Sau khi đoạn xong phiền não này thì mới có thể tiếp tục đoạn phiền não Sắc ái và Hữu ái. Tất cả các phiền não này đoạn hết thì mới thoát khỏi Tam giới. Nay Mật tông không chỉ không đoạn trừ Phiền não chướng cần phải đoạn đầu tiên trong Tư hoặc, ngược lại còn dạy tín chúng phải tu chứng phiền não đại tham thô nặng nhất trong Phiền não chướng mà “chắc chắn sẽ khiến người ta luân đọa trong Dục giới”, nói rằng người tu hành chấp thủ cảnh giới tham ái có thể đoạn trừ tất cả các chướng (tất cả các chướng gồm hai loại là Phiền não chướng và Sở tri chướng), thật đúng là kẻ cả vú lấp miệng em! Cái tham lớn về Dục giới ái có vị trí thấp nhất trong Phiền não chướng còn chưa thể đoạn, cũng không biết đoạn, huống hồ là Sở tri chướng “Tâm bất tương ứng vô thủy Vô minh trú địa” mà nói cũng có thể đoạn được nó? Chắc chắn không thể có lý ấy! Vì sao vậy? Vì Sở tri chướng là “Tâm bất tương ứng vô thủy Vô minh trú địa” – tất cả các chúng sinh từ vô thủy kiếp đến nay chưa từng tương ứng với vô thủy Vô minh này. Chính vì vô thủy Vô minh này không tương ứng với Tâm giác tri của tất thảy chúng sinh, cho nên gọi là “Tâm bất tương ứng”. Phải đợi khi khởi tâm niệm muốn tham cứu Thực tướng của Pháp giới, thì mới tương ứng với vô thủy Vô minh này lần đầu tiên. Nay Mật tông còn chưa hiểu biết gì về chính tu ở tầng thứ nông nhất trong đạo Giải Thoát thì sao có thể tương ứng với vô thủy Vô minh này. Người không tương ứng với vô thủy Vô minh mà nói có thể đoạn được Sở tri chướng vô thủy Vô minh – “Có thể đoạn tất cả các chướng”, thậm vô lý! Bởi vậy, Tông Khách Ba nói “tu pháp đại tham này không có tội lỗi, vì có thể đoạn tất cả các chướng” quả thực là những lời nói tưởng tượng, buột miệng nói ra mà thôi. Lại nữa, việc Tông Khách Ba nói tu pháp đại tham này có thể đoạn trừ tập khí cũng là những lời nói vô tri. Vì sao vậy? Vì người nào dựa theo lời Tông Khách Ba mà tu pháp “tức thân thành Phật” này chỉ có thể tăng trưởng thêm tập khí Dục giới tham, tăng thêm nhân duyên luân hồi sinh tử, thì sao có thể tu trừ được chút xíu nào các tập khí của Dục giới tham, mà nay Tông Khách Ba lại nói những lời điên đảo như vậy? Lời nói của “những người có tâm điên đảo” như thế thì sao có thể tin được? Vậy mà các tín đồ Mật tông lại không phát hiện ra sai lầm của ông ta, lại còn mê tín sùng bái ông ta, tin theo và phụng hành, thậm chí thày trò Hoàng giáo còn phong ông ta là chí tôn. Quả thật là bậc chí tôn dẫn dụ chúng sinh luân hồi Tam giới vậy. Các thượng sư Mật tông xưa nay đều là đám ngu mê, sao có thể nói là “người đại căn khí, người thượng thượng căn khí”? Những pháp hoang đường như thế, pháp do tà kiến bày đặt ra, hoàn toàn trái ngược với pháp của đạo Giải Thoát và đạo Phật Bồ Đề, căn bản thành dâm, thành tà, mà nói là pháp thanh tịnh như thực còn thắng diệu hơn cả Hiển giáo, mà nói là pháp bắt đầu tu sau khi đã viên chứng hai đạo chủ yếu của Hiển giáo. Như thế, thật chẳng khác gì kẻ ngu si nói rằng: “tu học cộng trừ nhân chia, rồi học đại số, sau đó học tích phân trước đã, rồi hãy theo ta học pháp tích phân thượng thượng đẳng”, thế nhưng tham cứu cái “pháp tích phân thượng thượng đẳng” thì mới phát giác ra rằng pháp của họ còn không phải là pháp cộng trừ nhân chia, chỉ là học đếm ở trong trường mẫu giáo – học đếm một, hai, ba – mà thôi. Thế mà các thày truyền pháp của Mật tông kia lại không hề biết sự thực này, rất nhiều người học Mật pháp cũng không biết sự thực này, nên tôi nay mới viết cuốn sách này phân tích rõ cho tất cả mọi người biết, sau này có thể tránh được tự nhầm lại dẫn dắt nhầm người khác, hoang phí thời gian và tiền tài, để có thể chuyển sang tu Phật pháp chính tu trong Phật môn, thế mới là cái phúc của đại chúng vậy. Tông Khách Ba còn nói trụ ở Đẳng chí như vậy – nam nữ cùng trụ ở trong đại lạc đệ tứ hỷ mà nhất niệm bất sinh – tức là Bát Niết Bàn. Tuy nhiên, cái “Niết Bàn” đó, kỳ thực khác xa và trái ngược hẳn với Niết Bàn mà Phật giảng trong Tứ A Hàm, nhầm lẫn cực lớn. Cái Niết Bàn vô dư mà Phật tuyên thuyết trong Tứ A Hàm là chỉ việc diệt hết toàn bộ Thập bát giới thì mới được gọi là Niết Bàn vô dư. Người muốn chứng được Niết Bàn vô dư như thế, nhất định phải đoạn trừ Ngã kiến “Tâm giác tri Ngã thường trụ bất hoại” trước tiên, rồi tiến đến đoạn trừ sự tự chấp trước “Giác tri tâm Ngã, tư lượng tâm Ngã”, khi xả thọ mới có thể thủ chứng Niết Bàn vô dư. Thế nhưng, Tông Khách Ba lại nhận lầm cái “Ngã” đó là Tâm thường trụ bất hoại, đọa thẳng vào trong Ngã kiến, Ngã chấp, muốn đem cái Tâm mà Phật nói lúc nhập Niết Bàn phải diệt trừ đi để nhập vào Niết Bàn, hoàn toàn trái với lời Phật, còn không phải là Sơ quả Thanh Văn mà Phật dạy thì sao có thể nói là người đã thực chứng được Niết Bàn? Vô lý! Phật nói rằng người muốn nhập Niết Bàn vô dư thì phải đoạn diệt Thập bát giới – bản thân Giác tri tâm và Tư lượng tâm cũng phải diệt trừ, khi đã diệt trừ tất cả Thập bát giới thì chỉ còn lại duy nhất Thức thứ tám Như Lai Tạng lìa kiến văn giác tri mà thường trụ. Tông Khách Ba thì lại đem Tâm giác tri ở mãi trong cảnh giới đệ tứ hỷ để hưởng thụ khoái lạc, cho rằng đó là Niết Bàn vô dư, đúng là Phật nói một đằng thì ông ta nói một nẻo, sai khác đâu chỉ là ngàn vạn dặm? Tông Khách Ba coi cái Niết Bàn nhận lầm đó mà bảo rằng đó là Niết Bàn mà Phật nói, nên mới viết rằng: “Bát Niết Bàn là sự thắng diệu trong tất thảy pháp, tối thắng nhất trong các loại thắng diệu gọi là Niết Bàn Phật, vì Tự tính đó nên gọi là thắng pháp”, ông ta coi “Niết Bàn vô dư” của ngoại đạo do mình tự tưởng tượng ra là cảnh giới Niết Bàn mà Phật tuyên thuyết, lấy cảnh giới dâm lạc của Dục giới để thay thế cho cảnh giới Báo thân Phật mà Phật từng giảng. Việc đoạt hồn cướp xác như vậy, ngang nhiên thay đổi pháp nghĩa trong tu chứng Phật giáo, khiến cho nó thay đổi từ bên trong Phật giáo để trở thành tôn giáo của ngoại đạo, thì sao không gọi ông ta là kẻ phá hoại chính pháp của Phật giáo? Thế mà người trong Mật tông lại suy tôn kẻ phàm phu này, kẻ kẻ phá hoại chính pháp Phật giáo này làm bậc chí tôn trong Phật giáo? Điên đảo đến thế là cùng! Kẻ đem pháp ngoại đạo thay thế Phật pháp khiến cho Phật giáo biến chất thành ngoại đạo pháp như vậy, bản chất của ông ta còn thấp kém hơn cả kẻ phàm phu truy cầu pháp thế tục. Vì sao vậy? Vì phàm phu thế tục trong tín ngưỡng nhân gian, họ có tâm lương thiện, tuyệt đối không phá hoại pháp nghĩa Phật giáo mà bản thân họ không biết, không hiểu, chỉ là có tâm sùng tín nhưng tạm thời không vào Phật môn tu học mà thôi. Thế nhưng, thày trò Mật tông như Tông Khách Ba không biết lại nói mình biết, chưa chứng lại nói mình chứng, lại đem ngoại đạo pháp thay thế cho chính pháp của Phật giáo, sùng bái ngoại đạo phái Tính Lực, đem nó chụp lên trên Phật pháp Tam thừa, sùng Mật ức Hiển. Lại đem tri kiến tà trái, sai lầm ra giải thích rằng ngoại đạo pháp kia mới là Phật pháp cứu cánh nhất. Trước những sự việc đó, tâm họ đáng bị tru diệt, hành vi họ độc ác, còn thấp kém hơn cả tục nhân phàm phu bình thường, làm gì có chỗ nào đáng tôn quý mà nói? Thế mà kẻ phá hoại chính pháp Phật giáo không bằng người thế tục như thế, mà sao thày trò Mật tông lại phong ông ta là bậc chí tôn trong Phật giáo?” Ngu mê đến mức độ đó, thật khiến người ta than thở khôn nguôi! Lại nữa, kẻ phàm tục ở thế gian còn biết chủ trương “dâm dục cũng phải dừng ở mức vừa phải”, huống hồ “pháp môn thành Phật chí cao vô thượng trong Phật giáo” lại tu pháp thế tục này để cầu chứng cái dâm dục cực lạc này? Người thế tục thông thường khi đã đạt được thỏa mãn dâm dục tương đối (ví dụ như đã đạt được cực khoái tình dục rồi) thì còn biết nghỉ ngơi. Thế nhưng, những người như Tông Khách Ba của Mật tông, đạt được cực khoái tình dục rồi mà vẫn chưa thấy thỏa mãn, còn muốn cầu cái Lạc nằm mãi mãi trong cực khoái tình dục, dựa vào cái dâm lạc đó để tiếp tục cầu đến Đại Lạc của đệ tứ hỷ, nhằm được thường trụ mãi mãi trong cực lạc này. Hành vi đại tham Dục giới như thế mà lại nói nó là pháp cứu cánh nhất, pháp vi diệu nhất chí cao vô thượng, sao không gọi là kẻ điên đảo? Ấy vậy mà các thày Mật tông lại sùng bái kẻ điên đảo đó, phong là bậc chí tôn, thật nực cười vô cùng! Lại nữa, trong Hoàng giáo còn có người chủ trương rằng chỉ cần tu Vô thượng Yoga Minh Không song vận (Minh Không Đại thủ ấn) là có thể thành Phật. Như Thượng sư Trần Kiện Dân cho rằng: “Đó chỉ là Pháp thân một phần, buộc phải kiêm tu Vô thượng Yoga Lạc Không song vận thì mới có Pháp thân toàn phần”. Không chỉ Trần Kiện Dân nhận định như vậy, mà Hồng Bạch Hoa giáo cũng đều nhận định như vậy. Cho nên, có thể nói rằng pháp môn tu hành của Mật tông chắc chắn không rời khỏi Song thân pháp. Cái tôn giáo truy cầu dâm dục chí lạc, cực lạc bằng Song thân pháp như thế, nếu như có thể gọi nó là Phật giáo, thì chắc chắn sẽ khiến cho Phật giáo chính thống xấu hổ che mặt. Bởi vậy mới nói, tất cả những người trong Phật môn đều phải cực lực tẩn trừ tà kiến Song thân pháp này ra ngoài Phật môn, để tránh cho những người học khác trong Phật môn lại bị tà kiến này mê hoặc dụ dỗ, tránh để Phật giáo bị các học giả nghiên cứu Phật giáo phương Tây liên tục sỉ nhục, chịu nỗi oan khuất không biết tỏ cùng ai. Pháp tu song thân trái ngược với đạo Giải Thoát và đạo Phật Bồ Đề, cứ thế dâm dâm tương truyền, phá hoại giới luật Bồ Tát mà Phật đã đặt ra. Người tu pháp này tất sẽ thành ma dân, ma nữ, sau khi chết sẽ bị ma vương nhiếp thụ, vĩnh viễn tuyệt duyên với chính pháp Phật giáo. Kinh điển Chân Mật “Lăng Nghiêm kinh” trong quyển 8 đã bác bỏ rất rõ ràng: “tinh sắc kiên cố (bền vững) mà không nghỉ ngơi, hấp (tinh) túy viên thành, gọi là Thông hành tiên…Giao cấu bền vững mà không nghỉ ngơi, cảm ứng viên thành, gọi là Tinh hành tiên… Này A Nan! Đó đều là luyện tâm ở nhân gian, không theo chính giác, có thể đạt được sinh lý riêng, thọ ngàn vạn tuổi. Nghỉ ngơi ở nơi thâm sơn hoặc đảo ngoài biển lớn, tuyệt giao với cảnh người. Đó đều là vọng tưởng luân hồi lưu chuyển, không tu Tam Muội, khi phúc báo tận, phải quay về tán nhập vào các thú (đạo luân hồi)”. Pháp môn tức thân thành Phật hợp tu song thân của Mật tông chính là pháp môn tu hành của ngoại đạo “Giao cấu bền vững mà không nghỉ ngơi”, sau này khi cảm ứng viên thành, sẽ trở thành Tinh Hành Tiên, có thể hiển hiện những thứ đặc dị để mê hoặc chúng nhân, bèn dám tự xưng thành Phật để lừa dối chúng sinh. Việc thăng đến Không Hành tịnh độ của các thượng sư Mật tông như Liên Hoa Sinh chính là cảnh “có thể đạt được sinh lý riêng, thọ ngàn vạn tuổi. Nghỉ ngơi ở nơi thâm sơn hoặc đảo ngoài biển lớn, tuyệt giao với cảnh người” mà Kinh Lăng Nghiêm nói đến. Những người như thế không biết rằng thọ mệnh của mình sẽ có ngày tận số, cho rằng có thể trường sinh bất lão, thế nhưng Thế Tôn đã sớm thọ ký rằng: “Đó đều là vọng tưởng luân hồi lưu chuyển, không tu Tam Muội, khi phúc báo tận, phải quay về tán nhập vào các thú”. Cho dù có thọ đến ngàn vạn tuổi, rốt cuộc cũng có ngày phải chết, sau khi xả báo vẫn phải luân hồi trong Tam giới, chỉ có điều là những kẻ đó hiện nay không tự biết mà thôi. Những người có trí đều nên tránh xa họ, chớ có rơi vào trong tà kiến này. Lại nữa, những người dựa vào Song thân pháp mà thành Phật, chứng tỏ họ không phải thành Phật thật, vì còn phải dựa vào ngoại pháp mới có thể thành tựu được “Phật” như thế, bởi pháp này là pháp có tầng thứ thấp nhất trong Tam giới. Vì sao phải dựa vào ngoại pháp? Vì phải dựa vào các pháp như Minh Phi hoặc thủ dâm “tự tu trên ngón tay”, vì dâm lạc trên thân chỉ là ngoại pháp mà thôi. Người chứng đạo Giải Thoát trước hết phải đoạn trừ cái tri kiến “Tâm giác tri trong dâm lạc là thường hằng bất hoại”, sau đó tiến đến đoạn cái tham trước vào pháp dâm lạc này, lại tiến đến đoạn Sắc giới ái, cuối cùng là đoạn nốt Vô sắc giới ái. Như thế mới gọi là người đoạn trừ được Phiền não chướng, trở thành thánh nhân của Tiểu thừa. Vị A La Hán này nếu quay về với Đại thừa, trong Biệt giáo Đại thừa gọi là Bồ Tát Hiền vị, tối đa là vào được Lục trụ vị mãn tâm, còn chưa phải là thánh nhân của Biệt giáo, vì chưa phá trừ được Sở tri chướng, chưa chứng đắc Vô sinh pháp nhẫn. Thế nhưng các thày Mật tông lại chủ trương cần phải tu cái pháp nhân gian có tầng thứ thấp nhất khiến người ta trầm luân ở Dục giới đó, tự mình tu còn chưa đủ, lại dạy người khác tu cùng. Thỉnh thoảng tu vẫn cảm thấy không đủ, Tông Khách Ba còn dạy phải “tu tám thời”, hơn nữa phải tinh tấn tu tám thời mỗi ngày, thậm chí còn nói “vân vân” (vân vân là chỉ tu cả ngày, cả tháng, cả năm, cả kiếp, cả ngàn kiếp). Tâm địa ông ta đảo lộn đến mức đó, thế mà hành giả Mật tông vẫn hết lòng tin theo, không chút nghi ngờ. Đó chẳng phải là sự mô tả về cái căn khí hạ hạ thời Mạt pháp hay sao? Những người dựa vào ngoại pháp mà tu như vậy, sao có thể tu thành Phật đạo cứu cánh được? Những người tu dựa vào “Lạc Không bất nhị, Lạc Không song vận” của ngoại đạo pháp, còn chưa thể chứng được đạo Giải Thoát của Nhị thừa, thì sao có thể chứng biết được đạo Phật Bồ Đề của Đại thừa mà ngay cả La Hán Nhị thừa cũng không thể biết? Tuyệt không thể có lý ấy! Pháp tức thân thành Phật của Mật tông như thế, đâu chỉ không thể thành tựu Phật đạo, mà còn vì tội phá giới, phá pháp, họ chắc chắn còn phải đọa xuống ác đạo, chịu nỗi thuần khổ cực nặng. Thế mà sao các thày Mật tông lại không biết điều này? Tại sao những người học Mật tông lại mê tín theo họ tu học? Lẽ nào họ không thèm quan tâm đến quả báo kiếp sau của mình hay sao? “Địa Tạng Bồ Tát bản nguyện kinh” nói: “Nếu có chúng sinh làm chảy máu thân Phật, phỉ báng Tam Bảo, không tôn kính kinh, thì sẽ phải đọa vào địa ngục Vô gián, thiên vạn ức kiếp cầu không có ngày ra. Nếu như có chúng sinh xâm hại làm tổn thương Thường trụ, làm ô nhục tăng ni, hoặc tư hành dâm dục ở trong già lam (chùa, tự viện), hoặc giết hoặc hại, những kẻ như thế sẽ phải đọa địa ngục Vô gián, thiên vạn ức kiếp cầu không có ngày ra”. Nay xem việc tu chứng Song thân pháp của các thày Mật tông từ xưa đến nay, tất phải lõa lồ vô sỉ mà hành dâm trong tự viện hoặc trong Phật đàn tự lập, trước mặt tượng Phật. Hành dâm xong, còn đựng hỗn hợp dâm thủy của nam nữ vào trong bát Ca ba lạp (kapāla) để mà cúng “Phật”, gọi đó là cúng dường cam lộ. Tà hành như vậy, hạ nhục Phật như vậy, thì sẽ bị như “Địa Tạng Bồ Tát bản nguyện kinh” nói: “tư hành dâm dục ở trong già lam…, những kẻ như thế sẽ phải đọa địa ngục Vô gián, thiên vạn ức kiếp cầu không có ngày ra”. Tất cả các Lạt Ma và hành giả tại gia của Mật tông nếu có trí tuệ thì hãy nên lựa chọn cho kỹ. Lại nữa, trong các Mật tục do thượng sư Mật tông tự tạo ra cũng nói người mà Minh điểm (ở) Trung mạch đã rõ ràng, Bảo bình khí đã thành tựu, có thể tự tại thu phóng Minh điểm, thì cũng có thể hợp tu pháp này với tỳ kheo ni, tự nói rằng như thế không phạm giới Tam muội da. Thế nhưng, giới Tam muội da là giới do những người như Tất Ngõa Ba, Liên Hoa Sinh của Mật tông nói thác rằng do Phật đặt ra, kỳ thực đều là giới pháp mà họ tự bày đặt, không phải là giới do Phật thiết lập. Trong “Phật giáo Mật tông” ở Đài Loan hiện nay, quả thực có không ít tỳ kheo ni từng thụ Mật quán và Huệ quán, và từng hợp tu Song thân pháp với nam thượng sư Mật tông. Những thượng sư Mật tông đó, không chỉ tư hành dâm dục trong già lam, mà còn là những kẻ “làm ô nhục tăng ni”. Theo “Địa Tạng Bồ Tát bản nguyện kinh” nói, thì “những kẻ như thế sẽ phải đọa địa ngục Vô gián, thiên vạn ức kiếp cầu không có ngày ra”. Nay khuyến cáo các thày Mật tông: Hãy nhanh chóng hủy bỏ giới Tam muội da do các tổ sư Mật tông tự bày đặt ra, nhanh chóng rời bỏ Mật tông, chớ có tiếp tục dính đến Song thân pháp, chớ có tiếp tục hoằng truyền Song thân pháp. Hãy ngày ngày khẩn thiết sám hối trước Phật, không được ngừng nghỉ, cho đến khi thấy được hảo tướng. Nếu không, khi giờ xả thọ đến, muốn cầu thoát, trong lòng tất hận mình không còn có cơ hội – vì khi đó tất cả đều không thể làm gì được nữa. Bình Thực tôi vốn nghĩ cho kiếp sau của đại chúng, không muốn người học Mật tông và đại chúng đời sau cùng vào địa ngục, cho nên mới có ý tốt, khẩn thiết khuyên nhủ, phân tích chi tiết những chỗ tà trái trong pháp nghĩa và hành môn của Mật tông, chỉ cầu mong các thày và chư tín chúng Mật tông lĩnh nhận thiện ý này thôi. Phàm là người học Phật môn chúng ta, trên từ tất cả các đại sư, dưới đến tất cả những người tu học, đều phải cùng nhau tẩn xuất pháp tu song thân này ra khỏi Phật môn, đều nên khuyên nhủ thày trò Mật tông sửa lại pháp nghĩa của Mật tông cho đúng, quay về với pháp nghĩa Tam thừa vốn có, cùng nhau vứt bỏ các loại ngoại đạo pháp như Trung mạch, Minh điểm, Bảo bình khí và Song thân pháp… ra khỏi cửa Phật, chớ để pháp nghĩa Phật giáo bị ngoại đạo pháp vấy bẩn, một là có thể khiến cho Phật giáo không còn xấu hổ che mặt, hai là có thể giúp tất cả người học không còn đi nhầm đường nữa, để sau có thể tu chứng chính pháp của Phật giáo, thì đại chúng ngày nay và mai sau đều được hưởng lợi ích. Bình Thực tôi một lần nữa kêu gọi, nguyện tứ chúng đệ tử trong giới Phật giáo chúng ta đều có cái nhìn đúng đắn về vấn đề này.
Lượt xem trang: 31520 |
Home » 文章分类_VN » CUỒNG MẬT VÀ CHÂN MẬT |